Cho trẻ ăn dặm là đòi hỏi sự hợp tác giữa 2 phía, mẹ nấu thức ăn phù hợp với giai đoạn phát triển cũng như khả năng nhai nuốt của bé, và ở phía bé chịu hợp tác tập luyện cùng mẹ ( độ thô và khả năng nuốt giỏi ). Cái quan tâm ở đây không phải là lượng em bé ăn vì mỗi em bé sẽ có tỏ ý thích thú với các nhóm thực phẩm khác nhau, có những giai đoạn cơ thể phát triển mạnh em bé đòi hỏi tinh bột nhiều ví dụ thích ăn quá nhiều cơm thích ăn các món củ có tinh bột ( như bí đỏ, khoai tây ) có em bé thích ăn rau, có bé thích ăn thịt. Cái quan tâm ở đây là thái độ hợp tác của bé với mẹ, và xử lý ra sao khi em bé từ chối ăn dặm.
1. NGAY GIAI ĐOẠN BẮT ĐẦU ĂN DẶM BÉ TỪ CHỐI
Có khoảng hơn 60 % các bé ngay từ giai đoạn đầu bắt đầu ăn dặm từ chối không chịu hợp tác với mẹ, có rất nhiều bà mẹ căng thẳng ngay từ lần đầu tiên, nấu cháo đúng tỉ lệ rây và đút cho trẻ em bé mím môi khóc quay mặt đi, đòi ra khỏi ghế. Vấn đề ở đây không phải là do cháo lạt ( nghĩa là cháo không nêm gia vị vì hệ tiêu hoá của trẻ vẫn đang ở giai đoạn bắt đầu tiêu hoá thức ăn ngoài sữa mẹ, và chưa hoàn chỉnh nên tập ăn từ lạt đến vừa và để thận trẻ không phải làm việc quá sức ) và không phải do cháo không ngon, mà do em bé mới chuyển từ bú mẹ sang ăn bằng muỗng thì cảm giác lạ chưa quen là chuyện hết sức bình thường, trẻ cần thời gian cũng như mẹ cần thời gian để làm quen với công việc mới và phải có thời gian làm quen thì mới trở nên quen và tiến dần tới thành thạo được.
Cách xử lý ở đây là mẹ cần kiên nhẫn tập cho trẻ được ăn đúng thời gian qui định, đút cho bé đúng như hướng dẫn, và chờ trẻ hợp tác, mẹ có thể tập mẫu bằng cách mẹ cho em bé thấy mẹ ăn để bé nhìn và có mong muốn được giống như vậy, thời gian đầu có thể bé sẽ lè cháo ra không chịu nuốt nhưng khi đã cảm nhận sự khác lạ bé sẽ chịu nuốt, thông thường từ tuần thứ 3 trở đi em bé sẽ biết nuốt ( khoảng này có thể sớm hoặc lâu hơn tuỳ vào khả năng cảm nhận và hợp tác của từng trẻ )
2. TRẺ ĐANG ĂN DẶM NGOAN BỖNG NHIÊN TỪ CHỐI
Có nhiều bà mẹ rất hân hoan khi bắt đầu ăn dặm bé rất hợp tác, há miệng không kịp đút, chưa đút xong đã khóc đòi, ăn thô tốt, nhưng bỗng nhiên 1 ngày đẹp trời bé lại lắc đầu không chịu ăn bé làm cho mẹ cảm thấy rất bối rối không hiểu có phải độ thô không đúng, thức ăn nấu không ngon hay là còn lý do nào khác.
Thật ra chuyện này hết sức bình thường trong giai đoạn phát triển của trẻ dưới 3 tuổi, mỗi giai đoạn phát triển của cơ thể em bé sẽ cần các chất và năng lượng ít nhiều khác nhau, sự phát triển não là quan trọng ở giai đoạn này, trẻ bắt đầu bước vào giai đoạn phát triển não mạnh mẽ thì sẽ ham tìm tòi và hoạt động liên tục không ngừng nghỉ nghịch cái này phá cái kia la hét và hiếm khi chịu ăn, mẹ cứ nghĩ về người đang ham mê khám phá thì chuyện chú tâm vào coi ăn uống là phụ thậm chí ăn cầm chừng để có sức khám phá tiếp là bình thường trong cuộc sống, huống hồ gì con mình đang trong giai đoạn phát triển não, em bé cữ này không chịu ăn thì không nên ép trẻ cứ để trẻ được thoải mái, cữ sau em bé sẽ ăn nhiều hơn, khi hết qua giai đoạn phát triển não em bé sẽ lại ăn uống bình thường để bù lai khoảng thời gian trước đó.
3. TRẺ BỊ ỐM VÀ KHÔNG ĂN TỐT NHƯ BAN ĐẦU
Em bé sau giai đoạn 6 tháng tiếp nhận thức ăn ngoài sữa mẹ thì hay bị ốm và mắc các bệnh lặt vặt như ho, sổ mũi, sốt vvvv và sau mỗi lần bệnh như thế thì lại không ăn uống được như trước khi bé bệnh. Mẹ thì lo lắng không biết trong thời gian con bệnh thì nên cho con ăn ra sao cho con đầy đủ chất, và bô sung vi chất cho con khoẻ. Nhiều quan niệm cho trẻ ăn xương ăn thịt ăn đồ bổ ăn bồ câu ăn lươn ăn hạt sen vvvv. Nhưng thật ra khi trẻ bị ốm chỉ cần ăn thức ăn lỏng và mềm giúp trẻ dễ nuốt, ăn nhiều rau củ màu vàng đỏ, ăn thực phẩm có đạm thấp như thịt gà thịt cá trắng, không nên ăn các vật phẩm có đạm cao như thịt bò thịt heo bồ câu lươn hay tổ yến bào ngư, vật phẩm có đạm cao thì sẽ đòi hỏi cơ thể bé phải vận động nhiều hơn, hệ tiêu hoá phải làm việc cật lực để tiêu hoá các thức này, làm cho em bé mệt hơn.
Cho nên nếu được cho em bé bú mẹ thường xuyên bổ sung nước đầy đủ bằng canh rau súp, bé mới ốm dậy thì cơ thể còn mệt không có khả năng ăn như ban đầu là chuyện dễ hiểu, cần cho em bé tập ăn lại từ ít đến nhiều để em bé quen, để hệ tiêu hoá khởi động lại, thường khoảng thời gian để bé phục hồi kéo dài từ 2 tuần đến 1 tháng, mẹ nên bình tĩnh và kiên nhẫn giúp bé lam quen trở lại không nên vì áp lực của gia đình trong khoảng thời gian bé ốm không thể ăn uống mà ép bé.
4. BÉ SANG GIAI ĐOẠN 7-8 THÁNG KHÔNG CHỊU HỢP TÁC VỚI MẸ
Thật ra giai đoạn này là em bé đang rất thích tự khám phá hơn là thụ động để mẹ đút, bé thường không chịu ăn trèo ra khỏi ghế khóc lóc thậm chí có trẻ đứng lên cả bàn ăn, mẹ nên cho em bé đổi cách ăn để trẻ hứng thú hơn, bằng những cách như sau
1. Nếu trẻ ăn riêng chán thì trộn chung lại cho trẻ đỡ chán và cũng làm cho mùi vị món ăn khác hơn hấp dẫn với trẻ hơn
2. Nếu trẻ không thích mẹ đút thì nên cho bé tự khám phá cho bé bốc thức ăn bằng cách chế biến hambuger rau củ hình que, bánh mì sandwich mềm cắt que, pizza, thịt băm viên, cơm nắm
3. Mẹ có thể vừa cho trẻ bốc vừa đút thêm cho em bé, cho em bé ăn xen kẽ và cho bé húp thêm súp để bé dễ nuốt và ăn tốt hơn.