Bài note này dành tặng cho các mẹ đã cho em bé ăn nhuyễn quá lâu ( theo kiểu cháo xay truyền thống ) và không thể cho em bé ăn lợn cợn và ăn thô, có thể thời gian mẹ quá bận rộn và không thể dành được thời gian cho bé, hoặc người nhà không thể kiên nhẫn để em bé tập luyện từng chút 1.
Cần phải hiểu rằng qui trình ăn dặm của trẻ bắt đầu theo những bước sau đây :
1. Tập làm quen mùi vị ( mùi rau củ, mùi gạo, mùi cháo, mùi thịt, tất cả các mùi cơ bản, và mùi quen trong mùi trộn lẫn, ví dụ như các món xào món canh món kho )
2. Tập làm quen với thực phẩm theo qui trình chế biến từ lỏng đến đặc, từ nát đến thô ( với các bé tập ăn thô ngay từ đầu bé sẽ chọn cho mình độ thô để bắt đầu và không qua giai đoạn lỏng đặc )
3. Tập làm quen với kĩ năng bốc bằng tay, xúc bằng thìa muỗng và dùng nĩa
4. Theo đúng nguyên tắc bữa ăn là để bé có thể dùng tay tự do khám phá mềm cứng, có thể bóp quăng ném, nhưng chỉ ở 1 giai đoạn nhất định, khi trẻ đã có thể tự bốc ăn giỏi và có thể xúc thì mẹ nên cho bé dừng ngay những hành động quăng ném đi không cho trẻ vừa ăn vừa chơi mà phải làm mẫu giúp bé nghiêm túc hơn trong bữa ăn. Mẹ cần phân định rõ ăn để khám phá hay là vừa ăn vừa chơi.
Kiểu vừa ăn vừa chơi, 1 tay bốc thức ăn 1 tay nghịch nước, 1 tay ném, miệng há để ăn còn mắt thì xem ti vi là hành động sai, trẻ sẽ không ý thức được rằng bữa ăn là để ăn để cảm nhận và tập trung vào bữa ăn để dịch vị được tiết ra đầy đủ khi nhai, nuốt chửng như cháo xay sẽ không làm tiết ra dịch vị đầy đủ, không tập nhai sẽ không làm cơ hàm vận động nhiều và bé sẽ không có hàm răng đều và đẹp, mọc tốt ở giai đoạn răng vĩnh viễn
Vừa ăn vừa xem ti vi hay làm trò sẽ khiến trẻ rất thụ động và không ở thế làm chủ, trẻ không biết là trẻ đang ăn, và đây là bữa ăn mà chỉ tập trung xem ti vi và há miệng theo quán tính rồi nuốt ực. Lâu rồi thành quen chỉ quen nuốt không tập nhai nên chỉ cần thô 1 chút là sẽ oẹ, và việc cha mẹ người nhà cứ đút suốt làm cho trẻ không thể tự lập không tự biết cho thức ăn vào miệng, khó tập cho dùng thìa muỗng hay đũa mà cứ chờ đút, người nhà thấy bé chậm thì lại sốt ruột làm thay cho.
Người lớn hay muốn làm thay cho trẻ con thì làm cho em bé mất đi khả năng dựa vào bản thân mà cố gắng, con xúc chậm cũng đc, rơi ra ngoài cũng được, nên kiên nhẫn cầm tay con và xúc làm mẫu, mỗi ngày trôi qua là khả năng con sẽ tăng lên, đôi tay sẽ khéo léo dần, mắt cũng nhanh và có thể xúc chính xác, tay cầm vững và đưa được thức ăn vào miệng.
5. Giai đoạn thành công là khi ở 2 tuổi trẻ có thể tự xúc được 1 mình
Nếu em bé của mẹ đã dừng ở bước nào thì tập lại ở bước đó
Với bé đã quen xay nhuyễn mẹ nên bắt đầu từ nấu cháo dạng 1.7 và cho qua rây, cháo lúc này sẽ ở dạng đặc và ở dạng đơn vị ( nghĩa là thành phẩm cháo không, không có các thức khác xay cùng ) cà rốt băm ở dạng hạt mè và cho vào cháo theo tỉ lệ 9 cháo 1 cà rốt và cho em bé ăn, khi bé ăn tốt mẹ sẽ giảm cháo và tăng lượng cà rốt lên, cho đến khi em bé có thể ăn được cà rốt dạng hạt mè mà không cần trộn. Tiếp theo đó là tương tự với thịt rau và các loại khác, vì trẻ đã có răng tương đối nên mẹ chỉ cần dựa vào khả năng nhai nuốt và hợp tác của bé mà tăng độ thô lên, cho ăn các loại thức ăn phong phú khác như bún phở mì nui để bé quen với nhiều loại thực phẩm. Khi trẻ đã quen độ thô ăn tốt và chán ăn các món xúc như cháo hay cơm nhão mẹ có thể làm thức ăn hấp mềm hình que, làm hambuger làm pizza từ bánh mì sandwich cho trẻ ăn đều đc.
Mẹ cần phải hiểu rằng, giai đoạn ăn dặm là giai đoạn mẹ tập cho trẻ biết cách ăn, thoí quen tốt trong ăn uống, biết ăn uống là hưởng thụ và cảm nhận, chứ không phải chỉ để ăn cho thật no, càng ăn nhiều càng tốt, vì mẹ không biết rằng, giai đoạn ăn dặm chi là giai đoạn bước đệm để em bé làm quen với bữa ăn gia đình và vẫn phải có sữa mẹ song song để nuôi dưỡng và hoàn thiện các cơ quan trong cơ thể, hoàn thiện phát triển não và các kĩ năng trong khi bé ăn bé học cũng là công cụ giúp bé thông minh hơn và khéo léo hơn. Hãy để con tự làm và giúp con điều chỉnh chứ đừng nên làm cho con khi con có thể làm được.